Vì sao cây Thông đen được mệnh danh là 'Vua của các loại Bonsai'
Ở xứ sở hoa anh đào, người ta gọi Thông đen với biệt danh King of bonsai trees (Vua của các loại Bonsai) bởi chúng mang vẻ đẹp đầy mạnh mẽ và phong trần. Thế nhưng vì sao loài cây này lại được mệnh danh như vậy? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Sơ lược thông tin về cây Thông đen
Trước đây, cây Thông đen chưa thực sự được người dân ở xứ sở mặt trời mọc ưa chuộng. Trước những năm của thế chiến thứ hai (1939-1945), dân Nhật thích cây bonsai và thường lên núi đào cây đẹp về chơi.
Lúc đó, người Nhật chỉ coi trong Thông trắng Nhật Bản và Thông đỏ Nhật Bản. Với họ, Thông đen Nhật Bản không có nét quý phái, thanh tao như Thông trắng, Thông đỏ. Thông đen, từ thân với vỏ nứt toác, lá thô và cứng như dáng vẻ của một lực điền. Nhưng họ vẫn gieo hạt thật nhiều thông đen để lấy gốc ghép thông trắng, vì thông trắng không có vỏ đẹp và sức phát triển rất yếu.
Sau đệ nhị thế chiến, người Nhật thua trận, kinh tế đình trệ. Rất nhiều người dân đã lóe lên ý tưởng bán những cây bonsai cho người Mỹ. Khi đó, việc gieo hạt cây Thông đen được chú ý. Cây khi được gieo hạt nảy mầm đều và người Nhật bắt đầu thấy loại cây này có nhiều thế đẹp và dễ cải tiến hơn Thông trắng cũng như Thông đỏ. Giá trị của Thông đen cũng vì thế mà được tăng lên đáng kể, số lượng bonsai Thông đen cũng tăng lên chóng mặt.
Ngày nay, người ta gọi Thông đen là “Vua của các loại Bonsai” (the King of bonsai trees) bởi chúng mang vẻ đẹp đầy nam tính và phong trần. Thông Đen, với đặc điểm từ thân tới vỏ đều nứt toác, lá khá thô và cứng hướng lên trên, dáng vẻ như của một lực điền.
Các dáng cây Thông đen bonsai phổ biến
Gốc cây Thông đen rất cứng, vì vậy để có một cây Thông đen dáng đẹp, cây phải được nghệ nhân chăm sóc và uốn nắn kỳ công và tỉ mỉ ngay từ khi còn nhỏ.
Dáng trực
Cây thông đen có dáng trực là khi nhìn tổng thể một cây, thì phần ngọn và gốc hình thành một đường thẳng hoặc gần thẳng đứng, thuôn dần từ gốc đến ngọn. Trục thân cây có thế thẳng đứng, thẳng góc với mặt đất. Dáng trực này còn có 2 dáng nhỏ khác: Dáng trực lắc và Trực quân tử.
Với cây thông đen thì người ta hay lựa chọn dáng trực “lắc” hơn, bởi thân cây phải uốn lượn, khúc khuỷu, gập ghềnh, nhiều khi có nét chấm phá bằng các nét đột biến ngoạn mục mới thể hiện được hình ảnh con người.
Dáng xiêu (bay)
Cây thông đen dáng xiêu là trục của thân cây hơi nghiêng theo chiều gió, mạnh mẽ trong môi trường khắc nghiệt để sinh tồn. Về mặt thẩm mỹ, cây thông đen có dáng xiêu thường vừa mềm mại, nhã nhặn và nổi bật. Về mặt ý nghĩa thì cây thông đen dáng xiêu thể hiện ý chí sống và kiên cường vươn lên khi gặp trắc trở trong cuộc sống, phản ánh con người có sức sống và tinh thần luôn đấu tranh để tồn tại.
Dáng hoành
Dáng hoành là dáng cây có dáng nằm ngang mặt chậu, ngang trên mặt đất. Dáng cây có ý nghĩa muốn ngợi ca những con người đầy ý chí, nghị lực luôn vươn lên trong mọi hoàn cảnh bất hạnh, sống ngoan cường.
Về tính thẩm mĩ thì đây là thế cây độc, lạ bởi dáng này thường có cành đón gió (cành nghinh phong) và cành soi nước (cành chiếu thủy) một cành vuông thấp xuống dưới miệng chậu. Dáng cây này phù hợp với không gian ngoài sân vườn hoặc cây thông đen có kích thước nhỏ dáng hoành được đặt trong không gian phòng khách.
Dáng huyền
Một trong những dáng thông đen cuối cùng trong 4 dáng cây thông đen cơ bản là dáng huyền. Tất cả những phần thân cây đều đổ xuống phía dưới đáy chậu. Về thẩm mỹ, dáng huyền kỳ dị nhất, nhưng lại độc, đẹp và lạ. Những dáng này thường rất hiếm. Cây thông đen dáng huyền có ý nghĩa can trường, bất diệt và cũng lãng mạn vô cùng.
Ngày nay Thông đen bonsai được trồng phổ biến ở Nhật Bản với nhiều dáng thế đẹp. Tìm hiểu về lịch sử của loài cây này mới hiểu vì sao Thông đen được mệnh danh là Vua của các loại cây bonsai.