Thời điểm thích hợp và cách tạo dáng cho cây hoa giấy bonsai
Trồng hoa giấy rất thích hợp cho những người mới tập chơi cây bonsai. Đây là loài cây cảnh phù hợp với khí hậu trong nước, hoa nở đẹp và dễ uốn tỉa, tạo dáng.
Tìm hiểu về cây hoa giấy
Hoa giấy hay còn có tên gọi khác là móc diều, bông giấy. Loài cây này có tên khoa học là Bougainvillea spectabilis với đặc trưng có phần cánh hoa mỏng như tờ giấy. Cây có sức chịu hạn tốt, hoa có nhiều màu sắc và nở quanh năm, rất thích hợp để trồng làm cây cảnh.
Tại Việt Nam, hoa giấy có nhiều loại khác nhau. Để phân biệt các loại hoa giấy người ta có nhiều cách như dựa vào nguồn gốc xuất xứ, đặc điểm cánh hoa hoặc màu sắc.
Dáng thích hợp nhất thường được các nghệ nhân uốn tỉa đối với hoa giấy là dáng thác đổ hay dáng trực, dáng huyền. Khi cắt tỉa và tạo dáng hoa giấy, người chơi cần nắm rõ về đặc tính của cây.
Thời điểm thích hợp tạo dáng cho cây hoa giấy bonsai
Rất nhiều người khi mới chơi cây cảnh đều có chung thắc mắc thời điểm thích hợp để tạo dáng, uốn cành cho cây hoa giấy bonsai. Theo các chuyên gia, thời điểm thích hợp nhất vào giữa mùa hè, khoảng tháng 8 hàng năm. Lúc này cây hoa giấy đang độ sinh trưởng và phát triển mạnh, sẽ ra nhiều chồi non, lá mới nên thích hợp với việc uốn cành.
Trước khi tạo dáng cho cây, bạn nên quan sát những cành có độ đàn hồi tốt, có sức chống chịu với thời tiết để cây không bị tổn thương. Khi uốn cần phải các định uốn thân chính trước, sau đó đến cành chính và cành phụ. Thứ tự uốn cành từ lớn đến nhỏ.
Cách tạo dáng cho cây hoa giấy bonsai
Trước hết, để tạo dáng bonsai cho cây hoa giấy, bạn cần nắm rõ những yếu tố sau.
Trước khi tạo dáng
- Để tạo dáng cây hoa giấy bonsai, bạn cần định hình trước hình dáng cây mà bạn muốn. Tiếp đó, chuẩn bị các loại dây đồng và kẽm, kéo để chuẩn bị uốn dây.
- Bên cạnh đó, bạn cần tỉa bớt lá, cắt bỏ đi những cành quá sát nhau trước khi uốn để không gây khó khăn trong việc tạo dáng cho cây hoa giấy.
- Ngoài ra, kích thước của cây cũng rất quan trọng trong việc tạo dáng thành công. Cây ươm nên cao từ 1 – 5cm, gốc dày thuôn nhọn về phía trước. Trường hợp bạn không chọn được chậu cây có gốc như trên, bạn nên cắt gốc cây khoảng 15cm rồi nuôi một mầm mới từ cây. Sau đó, bạn tiến hành cắt dần cho đến khi cây cao khoảng 40cm.
Tiến hành tạo dáng
Khi bắt đầu tạo dáng, bạn cần cắt tỉa cành cho cây. Nên cắt tỉa những cành mọc theo hướng thẳng lên hoặc thẳn xuống và những cành mọc chéo hoặc có hướng đâm vào thân cây.
- Ở phần thân dưới, bạn cần để lại một số cành dài và dày. Càng đi lên phía trên, cành để lại sẽ càng mỏng và ngắn dần.
- Tiến hành tỉa cây theo hình chóp nón, đây là bước quan trọng trong cách làm bonsai hoa giấy. Theo đó, các cành còn lại bạn sẽ tỉa và cắt sao cho chúng sắp xếp theo kiểu ngắn dần khi hướng về phía trên.
- Đây là cách cắt tỉa giúp mô phỏng cách cây phát triển trong tự nhiên, đồng thời tất cả các cành cũng có thể nhận được ánh sáng chiếu đến. Đặc biệt, chớ nên để chiều dành của nhánh cây lớn hơn chiều cao của cây. Điều này có thể gây ảnh hưởng và mất cân đối trong tạo hình.
- Trong quá trình tạo dáng, cuốn dây kẽm (đồng) theo hình dáng mong muốn và cắm một đầu dây vào mâm để cố định. Lưu ý, bạn không nên cốn quá chặt cũng như quá lỏng.
- Sau đó, tháo dây khi dây cuốn đã ăn hơn 1/3 đường kính của vỏ cây. Lúc này, cành cây đã được định hình tương đối. Nếu bạn tháo dây muộn, sẽ để lại những vết hằn không được đẹp và cũng rất khó để khắc phục. Khi tháo dây, nên tháo từ ngọn về gốc.
Chăm sóc cây hoa giấy sau khi tạo dáng
Sau khi cắt tỉa, tạo dáng cho cây hoa giấy, bạn cần tuân thủ cách chăm sóc để cây luôn sinh trưởng tốt.
- Vị trí: Bạn nên đặt cây tại vị trí có ánh nắng đầy đủ, tốt nhất là nên ở ngoài cổng, sân vườn hay lối đi… Riêng những ngày có nhiệt độ quá thấp (nhiệt độ đóng băng) hoặc quá cao (trên 34 độ) mới tiến hành mang cây vào nhà.
- Tưới nước: Cần tưới nước cho cây ít nhất 2 – 3 lần một ngày. Nếu có thể, bạn nên tưới kiểu nhỏ giọt. Còn phần phân bón, hãy bón một ít phân đạm bằng cách ngâm cho phân đạm tan trong nước và tưới vào cây.
- Sau khi nở hoa: Mỗi khi hoa nở xong và bắt đầu tàn, bạn cần cắt bỏ và tỉa cành. Tốt nhất là mỗi cành chỉ nên để lại 2 – 3 mắt lá. Điều này giúp cây giữ được dáng đẹp, đồng thời hạn chế tình trạng cây phát triển nhanh chóng và trở thành một bụi rậm.
- Sang chậu: Sau khi chăm sóc và cây đã đạt được hình dạng mà bạn mong muốn, bạn có thể mua một loại chậu mới để sang chậu. Chậu mới này nên là loại chậu cây cảnh có đáy sâu từ 7 – 8 cm.
Trên đây là những điều nên lưu ý khi tiến hành cắt tỉa, tạo dáng cho cây hoa giấy bonsai. Tùy theo gu thẩm mỹ và sự sáng tạo của từng người, cây hoa giấy bonsai sẽ có phong cách riêng khó trộn lẫn.