Nghệ thuật cây ôm đá – Sức sống mãnh liệt từ nơi cằn cỗi

Cây ôm đá là một nghệ thuật trong cây cảnh, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên đây là một kỹ thuật khó, đòi hỏi được tạo hình bởi những nghệ nhân giàu kinh nghiệm.

Cây ôm đá hay còn gọi là cây ký đá được trưng bày nhiều tại các vườn bonsai. Việc ký đá có tác dụng hãm cho cây cằn lại, toàn bộ phần trên phát triển chậm, bộ lá nhỏ đi, trái lại, bộ rễ lộ bám đá càng phát triển mạnh để cố tìm nước phía dưới đá. Điều này vô tình tạo nên dáng vẻ cổ thụ cho một loại cây cảnh. Ngoài các yếu tố như cây, đá, nước mang khung cảnh thiên nhiên thu nhỏ vào trong một chiếc chậu, những tác phẩm này còn biểu đạt ý nghĩa về một sự sống không ngừng vươn lên. Dưới đây là một số lưu ý với từng phương pháp cây ôm đá theo kích cỡ cây cảnh.

Đối với cây cảnh kích thước lớn (cỡ đại)

  • Cây cảnh cỡ đại dáng trực ký đá phải là hình ảnh thu nhỏ loại cây tự nhiên mọc trên bãi đá. Có mặt nằm ngang tương đối.
  • Cây có dáng vẻ lùn cằn do điểu kiện sống ít màu mỡ, bởi nếu cây mà cao, mập thì vừa phi tự nhiên, vừa gây ấn tượng không vũng chắc.
  • Bộ rễ vươn toả xung quanh gốc luồn lách theo những khe hở. Và vuơn xa, bám chặt cả mặt trên, mặt cạnh và mặt dưới khối đá.
  • Diện tích bãi đá rộng hơn diện tích che phủ của bóng cây một ít là đẹp. Phạm vi rễ vươn toả rộng ít nhất bằng tán cây là hài hoà trên duới.
  • Nghệ thuật tạo cây mọc trên đá cần sự hài hoà cân bằng. Nhưng phải bất đối xứng mới tự nhiên, cho nên không bao giờ cho phép để cây ngay chính giữa bể mặt của khối đá.

Đối với cây cảnh kích thước trung bình (cỡ trung)

  • Cây cảnh cỡ trung, dáng xiêu ký đá phải là hình ảnh thu nhỏ cây ngoài thiên nhiên mọc ở bờ đá ven suối.
  • Cây và bộ cành vươn ra phía dòng suối. Nhiều cành phóng, cành buông như cố tìm ánh sáng và hơi nước, thân và lá cây phải nhỏ.
  • Hệ thống bông tán thoáng đãng mới hợp với điều kiện tự nhiên là cây không có đất. Nhưng tất cả lại tạo được vẻ nên thơ của cảnh trí.
  • Bộ rễ phải phát triển lệch và vươn dài trái với hướng cây đổ mới tự nhiên và hài hoà. Bộ rễ phải to, nổi, vươn xa, luồn lách, phát nhiều nhánh chằng chịt ôm chặt lấy bờ đá. Tỷ lệ thuận với phần trên của cây thì mới đủ sức giữ cho cây khỏi đổ, kể cả khi có lũ. Đồng thời trông mới hài hoà, cân bằng, bắt mắt.

Đối với cây cảnh có kích thước nhỏ (cỡ tiểu)

  • Với những cây bonsai mini ký đá, dáng hoành hay huyền ký đá phải là hình ảnh thu nhỏ loại cây trong tự nhiên mọc trên sườn núi, vách đá.
  • Thân cây phải mảnh mai, toàn cây cằn cỗi với lá nhỏ. Nhánh cây thấp nhất cũng phải đủ độ cách xa mặt đất (chân núi) để tạo ấn tượng cao vời và bao la hùng vĩ của cảnh núi non.
  • Bộ rễ phát triển nguợc chiều cây đổ và vươn toả cân xứng với toàn cây. Và đủ sức giữ cho cây như treo lơ lửng giữa trời mây mà không bao giờ rơi.

Những lưu ý khi trồng cây ôm đá

  • Như vậy việc tạo cây ký đá cẩn có trình độ thẩm mĩ và trải qua bốn bước công phu: tạo cây, lập ý, tạo đá, thi công.
  • Tạo cây bonsai ký đá quan trọng nhất là phải tạo bộ rễ thật dài, rồi mới đến tạo dáng cây.
  • Tuỳ từng cây xem phải đặt ở vị trí nào trên đá cho thích hợp.
  • Cuối cùng là trồng cây ký đá theo ý tuởng. Trong quá trình trồng cây bạn vẫn tiếp tục sáng tạo cho tác phẩm hoàn hảo hơn.

 

Cùng chuyên mục