Lưu ý khi chăm sóc cây mai bonsai sau Tết

Thú chơi mai bonsai nở rộ trong nhiều năm trở lại đây, vào mỗi dịp Tết, những cây mai có dáng nhỏ, được uốn tỉa đẹp mắt và nhiều hoa rất được ưa chuộng. Sau Tết, nếu bạn muốn trồng và chăm sóc cây mai bonsai cần lưu ý một số vấn đề dưới đây.

Xử lý cây mai bonsai đúng kỹ thuật?

Nhiều người thường băn khoăn cây mai bonsai đặt trong chậu chỉ cần tưới nước và bón phân đến Tết năm sau sẽ nở rộ? Tuy nhiên quan niệm này không đúng. Muốn cây mai sống khỏe, ra hoa vào năm tới, bạn cần xử lý tàn cây cũ và thay đất, kết hợp chăm sóc để cây hồi sức và phát triển tươi tốt.

  • Tỉa cành: Trước khi trồng lại cây mai bonsai, bạn cần xử lý cây mai với công đoạn lặt bỏ hết hoa, lá còn sót lại trên cây. Tiếp đó, bạn tiến hành cắt tỉa cành. Nên lưu ý cây trồng được từ 2 năm trở lên tỉa cành ít hơn cây mới trồng được trên 1 năm. Bên cạnh đó, bạn không nên cắt tỉa đến dáng của cây, chỉ nên cắt tỉa những cành nhỏ ngắn, vì những cành này ra lá nhanh hơn và cây mai cũng sẽ nhanh hồi phục hơn.
  • Thay đất: Sau khoảng 3 ngày kể từ khi cắt tỉa cành, bạn cần trồng cây mai ra đất vườn hoặc thay đất cho chậu của cây. Đất trồng nên gồm hỗn hợp đất thịt, tro trấu, phân hữu cơ hoai mục là tốt nhất.  Khi thay đất, bạn dùng bay xới nhẹ một ít đất xung quanh thành chậu rồi nghiêng chậu xuống và kéo cây ra. Khi kéo rễ cây ra, bạn có thể quan sát muốn cây non thì có thể cắt bớt rễ già, nếu cây có rễ cám màu vàng thì không nên cắt tỉa rễ, chỉ nên cắt tỉa rễ ở trạng thái màu đen hoặc khi đã nâu vàng. Sau khi đã trồng cây vào chậu hoặc khu đất mới, bạn có thể tưới thêm chế phẩm Atonik vào gốc, giúp cây mau đâm chồi, ra rễ.
Cây mai bonsai cần được lặt bỏ hoa, lá và tỉa cành sau Tết.

Cách chăm sóc cây mai bonsai sau Tết

Nếu bạn ưng dáng cây mai bonsai cũ, bạn chỉ cần chăm sóc theo đúng kỹ thuật. Tuy nhiên nếu như bạn thích dáng cây mới, có thể uốn sửa để tạo dáng thế mới cho cây. Thông thường, cây mai hợp với các dáng như thác đổ, dáng trực, dáng nghiêng…

Sửa dáng cây bonsai

Nếu muốn sửa dáng cây, bạn cần phải xác định được dáng thân, dáng cành phù hợp. Đánh giá xem cây mai có đủ các yếu tố để tạo dáng thế mới hay không.

Khi uốn sửa, dùng dây nhôm hoặc dây đồng để quấn, quấn khéo léo và khi uốn vặn chắc tay để cành không bị trả lại dáng cũ.

Bạn cần cắt tỉa và có thể sửa lại dáng cây nếu muốn.

Bón phân

Trong quá trình chăm sóc, bạn cần lưu ý thời điểm những tháng đầu năm, khoảng từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch hàng năm mỗi tháng bón phân bánh dầu 1 lần, kết hợp phun phân bón lá (tuần/lần).

Ngoài ra, khi thấy cây mai phát triển nhiều cành và lá, bạn cũng nên bón bổ sung phân hữu cơ Dynamic 1 lần, khoảng gần cuối tháng 10 âm lịch. Thời điểm từ tháng cuối năm trở đi, dùng phân kali đơn chất pha loãng với nước tưới vào gốc cho cây 2 lần, cách nhau 7 ngày 1 lần, có tác dụng khi cây nở hoa sẽ nở đồng loạt, hoa đẹp sáng, lâu tàn.

Tưới nước

Khi tưới nước, nên dùng vòi nước có tia nhỏ, tưới chậm qua một lượt, 5 phút sau tưới lại lần nữa, khi thấy nước ở lỗ thoát đáy chậu rỉ ra là đủ. Kể từ khi cây phát dục đến giai đoạn sắp vặt lá, mỗi ngày cần tưới nước cho 1-2 lần. Nếu trời mưa, nên hạn chế lượng nước tưới.

Tỉa bớt rễ cây.

Cắt tỉa

Bạn nên cắt tỉa vào 2 khoảng thời gian là tháng 5 âm lịch đến cuối tháng 7 âm lịch. Lúc này cây mai có nhiều lá, cành cũng dài hơn, bạn cần cắt bỏ đọt non và đọt ngọn cho cây tròn. Từ tháng 9 âm lịch trở đi, không nên cắt tỉa cành nhánh nữa, dễ làm cây bị sốc, trổ hoa sớm.

Trên đây là các xử lý và chăm sóc cây mai bonsai sau Tết. Nếu yêu cây cảnh và có sự kiên trì, tỉ mỉ, bạn sẽ có cây mai đẹp chơi vào dịp Tết năm sau.

Cùng chuyên mục