Kỹ thuật đảo cành lấy chi trong tạo dáng cành rơi
Khi bước vào quá trình uốn tỉa tạo dáng bonsai, không phải cây cảnh nào cũng có chi mọc đúng vị trí thích hợp. Do đó các nghệ nhân thường áp dụng kỹ thuật đảo cành lấy chi bonsai để tạo hình đúng như ý muốn.
Vì sao cần áp dụng kỹ thuật đảo cành lấy chi?
Không phải cây bonsai nào cũng có được tay chi mọc đúng vị trí cần uốn. Đây là tình trạng thường gặp. Thậm chí có nhiều cây được xác định sẽ uốn tạo dáng cành rơi, thường bị tình trạng thiếu xương chi để làm tàn dày. Với những xương chi thiếu hoặc chỉ mọc một bên, những cây được xác định uốn cành rơi sẽ không có vẻ đẹp đúng nghĩa. Do đó, để khắc phục tình trạng thiếu hoặc mọc sai vị trí của các xương chi, người ta sử dụng kỹ thuật đảo cành.
Tuy nhiên, đây cũng là một kỹ thuật khó và không phải ai cũng có thể thực hiện được. Bởi các chi có thể bị uốn lật ngược 180 độ, đến mức có cảm giác đã gãy chi. Nếu không thực sự có kinh nghiệm, bạn có thể khiến cây bonsai của mình bị hỏng và chết chi.
Muốn tạo dáng cành rơi đẹp nhưng các chi không mọc đúng vị trí, bạn cần uốn để các chi rơi vào đúng vị trí cần. Các cành rơi phải có độ lắc lượn trông thật ấn tượng, và làm thế nào để có nhiều chi ở cành rơi thì tác phẩm mới trở nên ấn tượng. Dưới đây là các bước cơ bản để thực hiện kỹ thuật đảo cành lấy chi trong tạo dáng cành rơi.
Chi tiết kỹ thuật đảo cành lấy chi bonsai
- Bước 1: Bạn dùng lực ở tay, uốn khéo cho co đầu của cành rơi đảo hẳn 180 độ ra đằng sau. Khi uốn đảo ngược co đầu đồng nghĩa đã đưa chi xương 1 của cành rơi ra sau cho đúng với vị trí mong muốn.
- Bước 2: Tiếp đó, tiến hành đến chi thứ 2. Ta cũng dùng sức uốn ngược chi xương 2 và tiếp đó là chi xương 3 cho đúng kỹ thuật. Chú ý đến quá trình uốn khéo léo, nhẹ nhàng, cần quan sát độ giãn nở và dẻo dai của cành để tránh bị gãy.
- Bước 3: Tiếp tục kỹ thuật đảo cành để các chi cần thiết về đúng vị trí cho đến hết chiều dài của cành rơi.
- Bước 4: Tiếp tục chỉnh sửa các chi khác. Cuối cùng chúng ta sẽ có được tác phẩm gần như tương đối hoàn thiện với các chi xương ở vị trí đúng mong muốn.
Những lưu ý khi thực hiện kỹ thuật đảo cành lấy chi bonsai
Để có thể uốn lật ngược 180 độ các chi bạn sẽ có cảm giác như chi đó đã gãy. Do đó việc thực hiện cần người phải có nhiều kinh nghiệm.
Nếu chưa quen tay, có thể dùng dây nilon quấn chặt cành trước khi quấn dây nhôm để uốn.
Trong các trường hợp nứt gãy thì cố gắng xoắn vặn. Sao cho cốt cành toạc đôi theo chiều dọc là cây khó chết nhất, dùng thuốc bôi lên cây sẽ từ từ liền sẹo.
Nên uốn vào thời điểm các chi vừa đủ độ lớn, các chi còn dẻo dai, việc uốn đảo cành sẽ dễ dàng hơn.
Trên đây là những thông tin về thuật đảo cành lấy chi trong tạo dáng cành rơi. Đây là kỹ thuật khó và cần phải có sự học hỏi cũng như kinh nghiệm trồng và chăm sóc bonsai mới có thể thực hiện được.