Kỹ thuật chăm sóc cây Sanh bonsai sống khỏe, thế đẹp
Sanh bonsai là loại cây có sức sống mãnh liệt, luôn xanh tốt quanh năm, dễ tạo hình và ít sâu bệnh. Trong phong thủy, loại cây này mang ý nghĩa bảo vệ cho gia đình gia chủ, giúp người trồng khẳng định được quyền lực, sự bề thế của mình.
Ý nghĩa của cây Sanh bonsai
Cây sanh hay còn được gọi bằng những tên khác như si, gùa, xanh, là một loại cây quen thuộc với người Việt Nam. Cây thuộc họ dâu tằm, thân gỗ, sống lâu năm. Cây có nhiều cành lá xum xuê, xanh tốt quanh năm. Từ tháng 9 đến tháng 2, cây sanh thường ra rất nhiều quả hình tròn như những viên bi.
Cây sanh có sức sống vô cùng mạnh mẽ, chúng có thể sinh trưởng cả ở những nơi điều kiện thời tiết nắng nóng, thổ nhưỡng nghèo nàn dinh dưỡng. Trong tự nhiên, cây có thể cao tới 20m, thân cây thường có những gờ, khối rất đặc biệt.
Sức sống của cây sanh có được là nhờ vào bộ rễ đặc biệt. Ngoài phần rễ cây thông thường nằm dưới đất, cây sanh còn có phần rễ khí sinh ra từ thân hoặc cành lớn. Qua thời gian, lớp rễ khí này sẽ phát triển trở thành “công cụ” đắc lực cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào cho cây.
Trong nghệ thuật bonsai, cây sanh được yêu thích bởi dễ trồng, thế đẹp, tán lá dày, thân và cành dẻo, dễ uốn và tạo hình. Về phong thủy, cây sanh mang ý nghĩa sinh sôi nảy nở, vững chãi, giúp gia chủ khẳng định được quyền lực, sự bề thế của mình. Chính vì vậy mà ở nước ta hiện nay đang có không ít cay sanh bonsai nổi tiếng với giá lên đến 10 con số.
Cách chăm sóc cây sanh bonsai
- Vị trí đặt: Cây Sanh bonsai là một loại cây cảnh phù hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm và không chịu được giá lạnh. Vào mùa hè, cây cần đặt ngoài trời với rất nhiều ánh sáng trực tiếp. Cây phát triển tốt ở nhiệt độ trên 15 độ C. Vốn là loài ưa nắng nên hạn chế đặt cây trong bóng râm. Nếu trồng trong nhà, cần dùng đèn hoặc ánh sáng nhân tạo để chiếu cho cây từ 12-14 giờ mỗi ngày.
- Tưới nước: Cây sanh có nhu cầu được tưới nước bình thường, khi thấy đất bắt đầu khô thì tưới. Cây sanh bonsai có thể sống tốt nếu bạn có lỡ đôi lần tưới quá nhiều hoặc để nó thiếu nước. Tuy nhiên tốt nhất là nên tưới cho cây lượng vừa đủ mềm đất và ở nhiệt độ phòng. Cây là loài ưa ẩm nên cần được phun sương hàng ngày nhưng không quá nhiều để tránh cho cây có thể bị nấm. Vào mùa đông, khi đặt cây ở nơi càng ấm càng cần tưới nhiều hơn và ngược lại.
- Bón phân: Vào mùa hè, cây sanh bonsai cần được bón phân hàng tuần hoặc 2 tuần/lần. Vào mùa đông, nếu cây sinh trưởng bình thường thì bón phân từ 2- 4 tuần/lần. Có thể sử dụng cả phân lỏng lẫn phân hữu cơ dạng viên để bón.
- Tỉa cành và uốn cành: Cây sanh bonsai phát triển nhanh nên việc tỉa cành cần được thực hiện thường xuyên để duy trì hình dáng của cây. Để làm giảm kích thước lá, khi cây ra 6-8 lá thì tỉa để lại 2 lá. Nếu muốn có cây sanh bonsai với thân tương đối dày, cần để cây phát triển tự nhiên trong 1-2 năm sau đó cắt tỉa mạnh và bôi hồ lên các vết cắt. Các cành sanh rất dẻo nên có thể uốn từ khi còn nhỏ tới khi chúng đã cứng vừa bằng cách đi dây.
- Thay chậu: Thay chậu cho cây nên thực hiện vào mùa xuân, khoảng hai năm một lần. Đất được sử dụng để thay chậu là hỗn hợp đất cơ bản. Khi thay chậu có thể tỉa rễ mạnh mà không ảnh hưởng đến sức sống của cây.
- Nhân giống: Cây sanh bonsai có thể dễ dàng nhân giống bằng cách giâm cành ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, nhưng tỉ lệ sống cao nhất là vào giữa mùa hè. Chiết cành và trồng từ hạt nên thực hiện vào mùa xuân sẽ dễ thành công hơn.
- Mua cây sanh: Bạn có thể mua cây sanh bonsai nhỏ ở hầu hết mọi cửa hàng hoặc vườn ươm với giả rẻ. Tuy nhiên cần chú ý đến dáng cây, cách vết sẹo do dây cuốn trên cây, các cành ghép…
- Sâu bệnh: Các loài sanh có khả năng kháng sâu bệnh tốt. Tuy nhiên, vào mùa đông, không khí khô và thiếu ánh sáng sẽ khiến cây bị yếu, rũ lá. Cây có thể bị nhiễm rệp vảy hoặc nhện đỏ nên cần phun hoặc đặt các thanh trừ sâu (insecticide sticks) vào đất, cải thiện điều kiện sống cho cây.
Cây sanh bonsai rất dễ trồng và chăm sóc, hình dáng đẹp, dễ uốn lại mang ý nghĩa sinh sôi nảy nở nên bạn có thể thử trồng nhé!