Kinh nghiệm trồng rêu cho cây cảnh bonsai đẹp như ý

Tạo vườn rêu khi trồng cây cảnh bonsai sẽ giúp tăng tính thẩm mỹ cho tổng thể chậu cây và hơn nữa, khu vực đất được phủ rêu cũng luôn được giữ ẩm.

Muốn tăng giá trị và tăng vẻ hấp dẫn cho một chậu cây cảnh, tạo rêu chính là một trong những cách cực kỳ đơn giản và hiệu quả. Đây là loài thực vật nhỏ có thể mọc trên rễ và đá của những chậu cây bonsai. Khi được trồng, chúng không làm mất đi dinh dưỡng hay khiến cho quá trình phát triển của cây bị ảnh hưởng, trái lại, chúng còn có những tác dụng tốt cho cây.

Tuy nhiên, khi tạo rêu cho chậu cây cảnh, bạn cần thực hiện đúng kỹ thuật để tránh cản trở quá trình thoát các khí độc thải ra khi cây hô hấp. Ngoài ra, phải lưu ý khi tưới nước, rêu sẽ gây khó khăn khiến cho nước không chạy đều được toàn bộ bầu đất.

Lấy rêu từ tự nhiên về cấy vào khu vực đất cần trồng.

Cách trồng rêu cho cây bonsai

Cây rêu là giống thực vật nhỏ bé, chiều cao trong khoảng 0,2 – 10cm tùy giống, cây rêu cao nhất trên thế giới hiện chỉ có chiều cao khoảng 50cm. Rêu sinh trưởng ở khắp nơi, mọc tập trung thành cụm, sinh trưởng chủ yếu ở những nơi có nhiệt độ thấp, nhiều nước, ít ánh nắng. Rêu chỉ có lá, không sinh trưởng hoa, quả hay hạt, sinh sản chủ yếu bằng bào tử. Hiện nay có hơn 12.500 loại rêu đã được công nhận.

Để tạo tiểu cảnh cho hòn non bộ hay chậu cây cảnh, người ta thường sử dụng một số loại rêu như rêu nhung, rêu nhăn, rêu bèo, rêu sao… hoặc cây dương xỉ để cấy vào khu vực chậu cây cảnh. Bạn có thể tìm thấy các loài rêu hoặc dương xỉ ở nhiều nơi khác nhau như bờ tường hoặc ở các khu vườn.

Thu thập rêu bằng cách dùng dao trát và cố gắng lấy được những mảng rêu tương đối lớn. Giữ rêu ẩm và cố gắng cấy rêu thật nhanh trên bề mặt đất của cây cảnh. Bề mặt đất phải bao gồm một lớp mỏng đất giàu dinh dưỡng và giữ nước.

Lưu ý khi đắp rêu phải đắp thành những khóm nhỏ, giữa các khóm nên có khoảng hở để cây có thể thoát nước nhanh trong trường hợp cây dư nước hoặc các khí độc sinh ra trong quá trình dinh dưỡng.

Về cảnh quan, bạn nên đắp rêu có sự nhấp nhô, không đồng đều và bằng phẳng để tăng tính thẩm mỹ cho chậu cây bonsai.

Rêu mọc rất đẹp xung quanh rễ bề mặt của cây phong Nhật Bản (Acer palmatum).

Cách chăm sóc rêu sau khi trồng

Sau khi trồng rêu vào khu vực đất của chậu cây cảnh, bạn cần lưu ý một số kỹ thuật chăm sóc dưới đây để rêu phát triển tốt, đúng như mục đích ban đầu.

  • Rêu là loại cực kì ưa ẩm, vì thế việc chăm sóc rêu thì các bạn phải giữ ẩm cho rêu thật tốt.
  • Tránh trường hợp rêu tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng.
  • Đặc biệt rêu sau khi trồng cần cố định thật chắc chắn để rêu bám sát vào bề mặt đất bên dưới.
  • Liên tục dùng bình tưới cây để tưới nhẹ vào rêu để rêu được xanh tốt.
  • Rêu lấy chất dinh dưỡng từ đất và không khí vì thế bạn không nên bón phân hoặc một chất dinh dưỡng nào khác.
  • Liên tục duy trì tưới và giữ ẩm cho rêu trong vòng 3 tuần. Dọn sạch cỏ, lá cây,…. những tạp chất khác phía trên mặt rêu.

Cách tạo rêu cho chậu cây cảnh bonsai khá đơn giản, hơn nữa đây cũng là cách nhanh chóng giúp tăng tính thẩm mỹ cũng như hoàn thiện vẻ đẹp cho tác phẩm thiên nhiên thu nhỏ trong vườn nhà bạn.

Cùng chuyên mục