Hướng dẫn kỹ thuật làm dày cành nhánh cây bonsai cho người mới bắt đầu
Một cây bonsai phát triển khỏe mạnh sẽ có rất nhiều cành nhánh sum xuê mang vẻ đẹp tự nhiên. Khi cây có nhiều cành thì việc định hình cây theo sở thích cũng trở nên dễ dàng hơn. Hãy cùng tìm hiểu một số kỹ thuật kích thích cây bonsai mọc nhiều cành nhánh, tán dày nhé!
Thúc đẩy cành nhánh bằng phương pháp cắt tỉa
Đánh giá tình trạng cây
Trước khi bạn bắt đầu thực hiện bất cứ kỹ thuật kích thích mọc cành nào, bạn cần chắc chắn rằng cây cảnh của mình đang khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Nếu cây của bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe như bị tưới quá nhiều hoặc quá ít nước, để ở nơi có ánh sáng không hợp lý hay đang bị bệnh thì việc cắt tỉa sẽ gây hại lớn. Ngược lại nếu cây bonsai của bạn khỏe mạnh, hãy chuẩn bị những dụng cụ sau đây và bắt đầu kỹ thuật thúc đẩy các cành phát triển.
Bạn sẽ cần có:
- Kéo cắt tỉa sắc bén, sạch sẽ và đã được khử trùng.
- Máy cắt dây.
- Dây huấn luyện cây cảnh
- Thuốc tẩy để vệ sinh dụng cụ.
Xác định thời điểm cắt tỉa dựa vào đặc điểm từng loại cây
Trước khi quyết định hình dáng và cách cắt tỉa cây bonsai, bạn cần nắm được kiến thức cơ bản về cây. Cụ thể, những cây thường xanh có lá xanh tốt quanh năm thường khá dễ trồng và phù hợp cho người mới bắt đầu. Với những cây này, bạn có thể cắt tỉa bất cứ lúc nào mà không lo làm hỏng chu kỳ sinh trưởng của chúng. Các cây này hầu như luôn phát triển cho đến khi đạt kích thước trưởng thành.
Mặt khác, những cây rụng lá vào mùa đông sẽ có thời gian ngủ đông và ngừng phát triển trong vài tháng. Những cây này cần được chăm sóc nhiều hơn trong thời gian ngủ đông và nên việc cắt tỉa, tạo hình tốt nhất nên thực hiện từ mùa xuân đến đầu mùa hè.
Các cây ra hoa và đậu quả lại đòi hỏi các kỹ thuật cắt tỉa khác nhau tùy thuộc vào việc bạn muốn cây ra hoa hay đậu quả. Thời điểm thích hợp nhất để cắt tỉa những cây này là vào cuối mùa đông.
Cắt tỉa và bảo trì thường xuyên
Cắt tỉa và chăm sóc đúng cách là yếu tố quan trọng nhất để cây bonsai của bạn phát triển nhiều cành mới. Bạn cần phải cắt tỉa cây bonsai của mình thường xuyên để tránh cành mọc quá dày một chỗ khiến không khí lưu thông kém dẫn đến bệnh tật hoặc sâu bệnh phá hoại. Ngoài ra, việc cắt tỉa thường xuyên sẽ thúc đẩy sự phát triển của các chồi mới.
Việc cắt tỉa có vẻ trái ngược với mong muốn cây có nhiều cành nhưng đây được coi là phương pháp cực kỳ cần thiết để cây phát triển khỏe mạnh. Tốt nhất là bạn nên duy trì việc cắt tỉa cây, tỉa bỏ một số cành lá nhất định trên cây.
Loại bỏ lá héo và gỗ chết
Thứ cần cắt tỉa và loại bỏ nhất trên cây bonsai của bạn chính là những chiếc lá đã tàn và cành đã chết. Các bộ phận đã chết này nếu không được cắt tỉa sẽ khiến cây bị phân tán dinh dưỡng. Vì vây, cần cắt tỉa chúng để cây của bạn tập trung vào sự phát triển mới.
Cắt tỉa các cành bị hư hỏng hoặc mọc ngoài ý muốn
Cành bị hư hỏng là nơi sinh sản của bệnh tật và sâu bệnh nên việc cắt tỉa chúnglà cần thiết. Nếu bạn vẫn muốn giữ lại cành đã có dấu hiệu bị hư hỏng thì cần phải cắt tỉa hết những chỗ bị hư hại, chỉ giữ lại phần chưa hỏng.
Với những cành mọc ngoài ý muốn, bạn cần cắt tỉa để tạo hình cho cây. Thường xuyên loại bỏ các cành bị hư hỏng hoặc mọc ngoài ý muốn sẽ giúp cây bonsai của bạn phát triển khỏe mạnh, chất dinh dưỡng được chuyển đến đúng bộ phận mong muốn.
Cắt tỉa chồi
Việc cắt tỉa những chồi non là rất cần thiết trong kỹ thuật chăm sóc cây bonsai. Mặc dù việc cắt bớt chồi non khi bạn muốn cây có nhiều cành hơn có vẻ ngược đời nhưng nếu không cắt tỉa chồi, chúng có thể phát triển không kiểm soát và cản trở sự phát triển của các cành khác.
Bạn cần tìm những chồi mọc quá dài theo những hướng không mong muốn hoặc cành mọc vượt so với các cành khác để cắt tỉa.
Thúc đẩy cành nhánh bằng phương pháp rụng lá
Rụng lá là một kỹ thuật giúp loại bỏ lá cũ khỏi cây bonsai để kích thích mọc lá mới. Quá trình này giúp chất dinh dưỡng của cây tập trung sang việc tạo ra các cành và tán lá mới và nó có tác dụng tương tự như việc cắt tỉa cành. Nó cũng có thể giúp cải thiện mô hình phân nhánh của cây. Việc làm rụng lá thường được thực hiện trong mùa sinh trưởng khi cây đang quang hợp tích cực.
Lợi ích của việc làm rụng lá cây bonsai
Một trong những lợi ích chính của việc làm rụng lá một phần cây cảnh là giúp ánh sáng được phân bổ đều khắp cả cây. Bằng cách loại bỏ một số lá, bạn sẽ tạo ra không gian cho ánh sáng mặt trời chiếu sâu hơn vào cành, kích thích sự phát triển mới ở những khu vực bị cớm nắng.
Một lợi ích khác của làm rụng lá là có thể giúp cải thiện lưu thông không khí trong cây bonsai. Khi có quá nhiều lá trên cây, luồng không khí có thể bị hạn chế, dẫn đến sâu bệnh xâm nhập. Bằng cách giảm mật độ lá thông qua việc rụng lá, bạn sẽ khuyến khích luồng không khí lưu thông tốt hơn, giúp cây tăng cường sức khỏe.
Thêm vào đó, việc làm rụng lá cũng cho phép bạn kiểm soát hình dạng và kích thước của cây cảnh bằng cách hướng năng lượng vào các khu vực nhất định thay vì các khu vực khác. Điều này có thể đặc biệt hữu ích khi định hình cây non hoặc quản lý những cành phát triển quá mức.
Cách làm rụng lá để kích thích cành phát triển
Bạn hãy đợi cho đến khi lá cây trưởng thành hoàn toàn (thường là vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè) để bắt đầu quá trình làm rụng lá.
Lấy kéo cắt bỏ tất cả các lá trên cây chỉ để lại mỗi đầu cành một hoặc hai cặp lá. Khi cắt bỏ, hãy cắt sát đến phần cuống lá. Sau khoảng 4-6 tuần, những chồi mới sẽ mọc ra từ những cành già. Khi những chồi mới này phát triển thành cành, chúng sẽ dày lên và trở nên cứng cáp hơn.
Tuy nhiên, bạn cần nhớ rằng việc loại bỏ lá quá nhiều tại một thời điểm có thể làm cây bonsai bị sốc dẫn đến cấu trúc phân nhánh phát triển yếu. Do đó, hãy luôn thận trọng khi loại bỏ lá. Thêm vào đó, không phải tất cả các loài cây cảnh đều phản ứng tốt với hiện tượng rụng lá. Những cây rụng lá như cây phong và cây du có xu hướng phản ứng tốt hơn với kỹ thuật này. Ngược lại, những cây thường xanh như cây bách xù hoặc cây thông sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi sau quá trình này.