Hướng dẫn chăm sóc cây tùng la hán bonsai
Cây tùng la hán với thế cây thanh nhã, lá cây xanh tốt quanh năm tràn trề sức sống thường được trồng làm cảnh để trưng bày trong phòng có không gian rộng lớn. Khi được trồng theo phong cách bonsai mini để bàn, cây thường mang đến cảm giác mới lạ, độc đáo và có ý nghĩa mang đến niềm vui và hạnh phúc cho gia chủ.
Ý nghĩa của cây tùng la hán
Cây tùng la hán hay còn được biết đến với những tên khác như sam la hán, sam đất, vạn niên tùng. Cây thuộc họ thân gỗ, có tuổi thọ cao. Vỏ cây màu nâu sẫm và khi cây càng già, lớp vỏ cũng dần trở nên xù xì hơn. Lá cây hình mũi mác hẹp, giống lá kim của cây thanh tùng, màu xanh lá đậm. Qủa của cây có hình dáng giống bức tượng la hán, màu xanh ngọc, mỗi hạt đều có vỏ.
Cây tùng la hán thường được trồng quanh nhà làm hàng rào với ý nghĩa giúp trấn trạch, xua đuổi điềm xấu và giúp gia chủ gặp nhiều may mắn. Đối với những cây tùng bonsai để bàn thường được trồng theo kiểu những cây nhỏ đứng chung với nhau giúp mang đến sự mới lạ và có ý nghĩa mang đến sự yên ấm, hạnh phúc.
Hiện nay ở Việt Nam, cây tùng la hán được trồng rất nhiều để làm cảnh với đa dạng hình thể khác nhau. Bạn rất dễ bắt gặp một cây tùng la hán lớn được trồng trong chậu xi măng trong các phòng có không gian lớn như khách sạn, cổng công viên...
Hướng dẫn chăm sóc cho cây tùng la hán bonsai
- Vị trí đặt: Cây tùng la hán bonsai có thể sống quanh năm ở trong nhà. Tuy nhiên, vào mùa hè nên để cây ở ngoài nơi bán râm mát. Vào mùa thu khi nhiệt độ bắt đầu hạ xuống thì phải đưa cây vào nhà để tránh sương muối. Nếu đặt cây ngoài trời vào mùa xuân, cần đảm bảo che chắn sương muối ban đêm cho cây. Vào mùa đông, cần đặt cây trong phòng ở nhiệt độ khoảng 10° - 15°C. Nếu nhiệt độ ở khoảng 20°C thì phải cung cấp đủ ánh sáng cho cây.
- Tưới nước: Cây tùng la hán bonsai cần được tưới nước khi đất bắt đầu khô. Cây cần hơi ẩm nhưng không tưới quá nhiều tránh khiến rễ cây bị úng nước. Nước sử dụng để tưới cây cần có độ Ph trung bình.
- Bón phân: Trong suốt mùa sinh trưởng, cây tùng la hán bonsai cần được bón bón phân lỏng hàng tuần hoặc phân hữu cơ rắn bốn tuần một lần. Vào mùa đông, nếu cây được đặt ở chỗ ấm áp nên bón phân lỏng hai tuần một lần hoặc bốn tuần một lần nếu đặt cây trong phòng mát.
- Tỉa cành và uốn cành: Cây tùng la hán bonsai có thể chịu được việc tỉa cành mạnh để kích thích sự phát triển. Bạn cần tỉa cành non mới khi chúng phát triển được khoảng 10cm. Khi tỉa chỉ nên cắt cành, không cắt vào lá. Việc uốn cành với cây tùng la hán bonsai có thể diễn ra vào bất kỳ thời điểm nào trong năm khi cành non bắt đầu dần cứng cáp. Cây có thể được tạo dáng bằng cách đi dây nhưng cần tháo ra sau vài tháng.
- Thay chậu: Cây tùng la hán bonsai khi còn non nên thay chậu 2–3 năm một lần và khi cây lớn là 4–5 năm một lần. Khi thay chậu không nên tỉa rễ quá mạnh, rũ hết đất ở rễ trong lần thay chậu đầu tiên. Đất dùng để thay chậu phải có khả năng thoát nước tốt, hơi chua hoặc trung tính với pH khoảng 5–6.
- Nhân giống: Cây tùng la hán bonsai có thể được nhân giống bằng hạt hoặc cách giâm cành/rễ.
- Sâu bệnh: Cây tùng la hán bonsai thường khỏe và ít khi bị sâu bệnh tấn công. Tuy nhiên khi cây bị đặt ở vị trí không thuận lợi hoặc không được chăm sóc tốt có thể bị rệp vảy hoặc nhện đỏ và phải dùng thuốc trừ sâu phù hợp để phun. Cây có thể bị rũ lá, thối rễ khi bị tưới nước quá nhiều.