Hướng dẫn cách nhân giống cây Tùng la hán
Cây Tùng la hán là một trong số những loài cây được giới mê cây cảnh ưa chuộng. Cây thường được tạo dáng thế bonsai, trong những chậu nhỏ để làm cảnh tại văn phòng hoặc nhà ở.
Tùng La hán có bộ rễ nhỏ, xanh tốt quanh năm nên được nhiều người chơi cây cảnh ưa chuộng. Muốn nhân giống Tùng la hán có 3 cách: Gieo hạt, chiết cành và giâm cành.
Tìm hiểu về cây Tùng la hán
Tùng la hán là loại cây có tuổi thọ cao, sống bền, lá xanh quanh năm. Tại Việt Nam, Tùng la hán thường được nhập từ Trung Quốc hoặc Nhật Bản.
Trong phong thủy, cây tùng la hán được cho là mang lại sự phồn vinh, thịnh vượng cho gia chủ vì cây có sức sống bền bỉ, chịu được mọi tác động của thời tiết khắc nghiệt, luôn xanh tốt, tỏa bóng. Điều này còn tượng trưng cho sự phát triển không ngừng, vượt qua mọi nghịch cảnh, mang lại sự phồn vinh cho cuộc sống.
Hướng dẫn cách nhân giống Tùng la hán
Gieo hạt
- Nếu bạn có hạt giống tốt thì hãy thử nghiệm trồng cây Tùng la hán từ hạt. Hạt đảm bảo là phải chín già, chắc. Gieo hạt trên khay đất mịn, nhiều mùn, giữ ẩm liên tục và để ở khu vực râm mát.
- Thời gian tốt nhất để gieo hạt là lúc đầu xuân, tiết trời ấm áp. Sau 1 – 2 tháng, hạt bắt đầu nảy mầm và phát triển thành cây con.
Chiết cành
- Còn nếu nhà bạn đã có cây Tùng la hán trưởng thành thì hãy thử nhân giống bằng cách chiết cành. Phương pháp này đạt tỷ lệ thành công khá cao.
- Bạn chỉ cần chọn cành bánh tẻ, cắt khoanh nhỏ phần vỏ cây và bọc vào đó một lớp đất mùn dinh dưỡng có trộn thêm một chút bộ thuốc B1 tán nhỏ. Chất đất này sẽ kích thích cho cành nhanh ra rễ.
Giâm cành
Có lẽ nhiều người không biết đến phương pháp này. Cách này đơn giản hơn, bạn cắt cành bánh tẻ có chiều dài tầm 10cm và cắm xuống khay đất mịn và để ở nơi râm mát. Cần sử dụng thêm thuốc kích thích ra dễ. Nếu làm đúng kỹ thuật, tỷ lệ thành công có thể lên tới 90%
Cụ thể, cách làm như sau:
- Vào đầu mùa thu, khoảng tháng 7 Âm lịch, bạn tiến hành giâm cành. Chọn cây Tùng la hán phát triển khỏe mạnh, lá xanh, không sâu bệnh, sau đó lấy cành bánh tẻ, cắt đoạn gần thân dài 10-15cm.
- Dùng thuốc kích thích ra rễ pha với nước theo tỷ lệ ghi trên bao bì, cho một đầu cành (đầu gần thân cây) vào ngâm khoảng 5-10 phút.
- Dùng cát cho vào khay, dày độ 10cm, nếu không có khay thì dùng gạch xếp trên mặt đất, sau đó đổ cát vào san phẳng. Cũng có thể dùng túi nilon đựng cát có đường kính khoảng 5-7cm, cắt thủng đáy túi để thoát nước.
- Sau đó giâm cành tùng đã qua xử lý thuốc, xếp thành hàng, mỗi cành cách nhau nhau 10cm. Khi giâm xong cần tưới đều để giữ ẩm, để cây nơi râm mát, tránh gió lùa và sương muối.
- Sau 2-3 tháng, thấy cành ra lá búp nghĩa là cành đã có rễ. Chờ khi lá búp thành lá bánh tẻ thì đem trồng ra đất và chăm bón bình thường. Tỷ lệ sống của cây có thể đạt 80-90%.
Thời điểm tạo dáng và bấm ngọn cho Tùng la hán
Khi cây được 2 năm tuổi, cao khoảng 30-40 cm là có thể tạo dáng dần cho cây. Dùng dây đồng để quấn và định hướng dáng cho cây phát triển theo. Cây tùng tự nhiên vốn đã có thế đẹp. Nhưng bạn có thể tạo cho cây phát triển theo một hướng, với các dáng theo nghệ thuật bonsai: dáng trực, dáng hoành, dáng huyền, dáng nghiêng…
Thời điểm bấm ngọn cũng được tiến hành khi cần thiết để tránh cây phát triển ngoài dáng thế mong muốn. Bạn nên loại bỏ các chi, đọt chúi xuống đất, giữ lại những cành khỏe mạnh có thể tạo thế đẹp.