Chăm sóc hoa mai vàng: Cách xử lý để cây ra hoa trước tết
Hoa mai vàng rực rỡ là biểu tượng cho sự ấm áp, sum vầy, tài lộc, may mắn. Vì lẽ đó mà vào mỗi dịp tết đến xuân về, mọi người thường dùng mai để trang trí nhà, cầu mong cả năm sung túc.
Cây hoa mai tên tiếng Anh là Apricot Flowers, còn được gọi bằng tên khác là hoàng mai. Cây thuộc họ Mai, thân gỗ, là loại cây lâu năm phát triển tốt ở điều kiện khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam, do điều kiện khí hậu nên cây mai chủ yếu mọc nhiều từ Huế đổ vào miền nam. Đến cuối mùa đông, cây thường rụng lá và nở hoa vào đầu mùa xuân.
Các chăm sóc hoa mai vàng
Vị trí: Cây mai vàng thích hợp với điều kiện khí hậu nóng ẩm, phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 25°C - 30°C. Nếu nhiệt độ xuống thấp dưới 10oC cây sẽ không thể phát triển. Mai vàng là loại cây ưa nắng, ưa ẩm nên cần đặt nơi có nhiều ánh sáng trực tiếp.
- Tưới nước: Cây hoa mai có khả năng chịu hạn khá tốt. Tuy nhiên, nếu để cây sống trong điều kiện khô hạn lâu sẽ dẫn đến bị cằn cỗi. Hãy luôn giữ cho đất trồng mai ẩm nhưng không được để ngập, úng nước. Những ngày trời nắng, bạn nên tưới đẫm nước vào gốc cây mai 1-2 ngày/lần và phun các tia nước nhỏ lên tán lá. Thời gian tưới tốt nhất là vào buổi sáng. Vào mùa mưa, cây mai không cần tưới mà cần chú ý giữ cho đất không bị úng nước. Đối với những cây mai bonsai được trồng chậu thì nên tưới nước 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều
- Bón phân: Việc bón phân cho cây mai nên dựa trên nhu cầu dinh dưỡng của cây trong từng giai đoạn. Thông thường vào đầu năm cây cần được bón nhiều đạm, giữa năm bón nhiều lân và cuối năm bón nhiều kali. Lượng phân bón nên chia nhỏ để bón làm nhiều lần giúp cây hấp thụ triệt để chất dinh dưỡng và ít bị sốc phân. Đặc biệt cần lưu ý, khi bón phân cho cây mai thì cây phải đủ nước và ánh sáng để hấp thụ lượng phân tốt nhất, rễ không bị cháy. Những cây mai yếu, bị bệnh không nên bón nhiều phân vì khả năng hấp thu của bộ rễ rất kém, dễ dẫn đến tình trạng nấm bệnh.
- Tỉa cành và uốn cành: Nếu không cắt tỉa, cây không cắt tỉa cây sẽ rậm rạp, tạo môi trường tốt cho sâu bệnh sinh sôi nảy nở. Vì vậy, khoảng 2 tháng nên cắt tỉa cành mai 1 lần để loại bỏ các cành tăm, cành sâu bệnh, cành mọc dày… Những cành vươn dài cần cắt ngắn và chừa lại khoảng 4 – 5 nách lá. Việc tạo dáng cho cây mai nên được tiến hành khi cây còn nhỏ, khi cây trưởng thành cành cứng sẽ khó uốn nắn.
- Thay chậu: Cây hoa mai dễ thích hợp với nhiều loại đất nên chỉ cần đất tơi xốp, thoát nước tốt và giữ độ ẩm ổn định thì cây sẽ phát triển tốt.
- Nhân giống: Cây mai có thể nhân giống hữu tính bằng hạt hoặc vô tính bằng việc chiết, ghép hoặc giâm cành. Tuy nhiên, thông thường cây được nhân giống bằng phương pháp vô tính để giữ được trọn vẹn các đặc tính của cây mẹ.
- Sâu bệnh: Cây Mai vàng thường bị tấn công bởi sâu sâu đục thân, cắn lá, nhện đỏ và rệp mềm. Vì cây mai rất nhạy cảm với các chất hóa học nên không thể sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật. Bạn có thể dùng vời nước để xịt mạnh và đánh bật rệp và quan trọng nhất là phòng bệnh cho cây.
Kỹ thuật xử lý để cây mai vàng ra hoa trước tết
Việc phân hóa mầm và ra hoa của cây mai phụ thuộc phần lớn vào yếu tố thời tiết và khí hậu. Chính vì vậy, chỉ một sự thay đổi nhỏ của thời tiết cũng khiến cây ra hoa không đúng dịp tết nguyên đán. Muốn mai ra hoa đúng thời điểm cần phải áp dụng đồng bộ cả bón phân - hãm nước - tuốt lá.
Trong điều kiện tự nhiên, cây mai vàng thường rụng lá vào cuối mùa đông. Sau khi lá rụng là lúc các mầm hoa sẽ bắt đầu đâm chồi khỏi lớp vỏ trấu. Khoảng 6-7 ngày sau khi bung khỏi vỏ trấu, nụ xanh sẽ nở rộ. Cần quan sát mầm hoa, xem dự báo thời tiết, tính toán thời gian tuốt lá để mầm hoa bung vỏ trấu vào ngày 22, 23 tháng 12 âm lịch là hoa sẽ nở đúng tết nguyên đán.
Sau khi nở hoa vào dịp tết cây mai gần như đã bị vắt kiệt sức nên cần giúp cây phục hồi bằng cách chuyển ra trồng trên đất. Nếu không thể đưa cây ra khỏi chậu thì cần thay mới 1/3 lượng đất, bón thêm phân hữu cơ và tưới nước cho cây.