Cây hoa dâm bụt: Loại cây hàng rào thành bon sai đẹp mắt
Hoa dâm bụt vốn là loại cây rất quen thuộc với người dân Việt Nam. Tại các vùng quê cây thường được trồng đại trà để làm hàng rào. Tuy nhiên hiện nay, cây hoa dâm bụt được nhiều người trồng làm bonsai vì dễ trồng, dễ uốn và hoa nở đẹp rực rỡ.
Cây hoa dâm bụt có tên tiếng anh là Hibiscus rosa-senensis còn được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: hoa dâng bụt, râm bụt, bông bụp, hoa lồng đèn. Đây là loại cây vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam bởi nó mọc khắp nơi từ bắc vào nam. Cây thường cao tối đa khoảng 5m, thân nhẵn có vỏ màu nâu xám, có nhiều nhánh. Lá dâm bụt mọc so le, có cuống dài, hình bầu dục với gốc lá tròn, phần đầu lá nhọn, mép có răng cưa to, màu xanh sẫm bóng.
Hoa dâm bụt thường mọc riêng lẻ ở nách hoặc ngọn cành, có đường kính khá to lên tới 15cm. Cánh hoa dâm bụt hình vỏ sò, hơi sần và xòe rộng. Ở chính giữa bông hoa có phần vòi với đài và nhụy hoa ở đỉnh. Hoa dâm bụt có nhiều màu sắc đa dạng như: hồng, đỏ thắm, tím, trắng, vàng… Hoa thường nở vào khoảng tháng 2 đến tháng 4 và có thể nở quanh năm nếu được chăm sóc đúng cách.
Với vẻ đẹp của mình, hoa dâm bụt thường được nhiều người lựa chọn trồng làm cây cảnh để trang trí trước nhà. Trong phong thủy, cây hoa dâm bụt màu đỏ mang ý nghĩa may mắn, tài lộc, giúp gia chủ gặp nhiều thuật lợi trong sự nghiệp. Theo dân gian, cây dâm bụt còn có tác dụng dược lý, giúp chữa một số bệnh như: mất ngủ, mụn nhọt, đau mắt, quai bị, kinh nguyệt không đều,..
Một số kỹ thuật trồng và chăm sóc cây hoa dâm bụt
- Nhân giống: Cây dâm bụt dễ dàng được trồng bằng cách giâm cành. Bạn chỉ cần cắt cành dâm bụt dài khoảng 10-15cm có cả mấu lá rồi đặt vào cốc nước một thời gian cho ra rễ khoảng 3cm là có thể giâm vào đất.
- Ánh sáng: Cây dâm bụt ưa ánh sáng đầy đủ nên đặt cây tại cửa sổ hướng Nam là tốt nhất. Nếu không có đủ ánh sáng, bạn cần dùng đèn thay thế. Chú ý xoay cây vài ngày một lần để đảm bảo tất cả các mặt của cây đều nhận được đủ ánh sáng và phát triển đồng đều.
- Đất trồng: Cây dâm bụt phát triển tốt nhất trên đất thịt pha cát có độ thoát nước tốt. Nếu trồng cây trên đất có độ thoát nước kém thì rễ sẽ bị thối và cây sẽ chết.
- Nhiệt độ: Cây dâm bụt bonsai ưa ấm nên nếu bạn sống ở vùng có khí hậu lạnh thì phải mang cây vào nhà trong những tháng mùa đông. Khi đặt cây ở ngoài trời, cần chọn vị trí thông thoáng để cây phát triển tốt.
- Nước: Tưới nước vừa đủ cho cây dâm bụt sẽ khiến cây khỏe mạnh, phát triển tốt. Tần suất tưới nước cho cây sẽ thay đổi tùy theo khí hậu của mỗi mùa và cần kiểm tra đất trước khi tưới. Nếu đất khô hẳn thì hãy tưới.
- Bón phân: Bón phân là việc quan trọng giúp cây dâm bụt có đủ dinh dưỡng để phát triển. Bạn có thể dùng phân bón lỏng pha với nước và bón vào đất xung quanh cây hoặc phân bón tan chậm trộn vào đất trước khi trồng cây. Thời điểm bón phân tốt nhất là từ mùa xuân đến mùa thu.
- Những bông hoa: Những bông hoa trên cây dâm bụt bonsai không chỉ đẹp mà còn giúp phản ánh tình trạng của cây. Một cây dâm bụt khỏe mạnh thường ra nhiều hoa còn cây yếu sẽ khó ra hoa. Để cây ra hoa, hãy chăm sóc, cho cây nhận đủ chất dinh dưỡng và đủ ánh sáng mặt trời.
- Cắt tỉa và tạo dáng: Cắt tỉa cây dâm bụt bonsai giúp duy trì hình dạng của cây và khuyến khích sự phát triển mới. Bạn có thể tỉa cây thường xuyên nhưng đừng tỉa quá nhiều. Khi cắt tỉa, hãy thực hiện các vết cắt ở góc 45 độ, ngay phía trên nút lá.
Trên đây là các đặc điểm và kỹ thuật chăm sóc cây hoa dâm bụt. Đây là loại cây dễ trồng, cho hoa rực rỡ nên bạn có thể thử trồng nhé!