Cách trồng cây kim thủy tùng Bonsai: Đẹp và lạ

Ngoài yếu tố phong thủy như mang lại may mắn và thu hút tài lộc cho gia chủ, cây kim thủy tùng cũng được trồng thành những chậu Bonsai nhỏ xinh để trang trí trên bàn làm việc.

Cây kim thủy tùng là cây gì?

Cây kim thủy tùng còn có tên khác là măng bàn tay, thủy tùng, có tên khoa học là Asparagus setaceus. Đây là cây bụi nhỏ có thân mảnh, màu xanh, mềm, phân cành nhành nhiều vươn dài, có thể sống dựa, cành mọc ngang, rễ dà, tụ họp thành từng đám xếp trên cùng một mặt phẳng.

Cây ra hoa thành những cụm ngắn, thường khoảng 1 - 4 hoa trên một cuống ngắn, mọc ra ở gần ngọn các cành. Hoa nhỏ màu trắng. Quả mọng hình cầu, màu đen tím mang 1 - 3 hạt.

Đây là một loại cây cảnh đẹp và thường được lựa chọn để trang trí cho văn phòng hoặc trong nhà. Cây cảnh này được trồng thành những chậu Bonsai là đẹp nhất.

Những lưu ý trong cách trồng cây kim thủy tùng Bonsai

Cây kim thủy tùng có thể cao đến hàng mét, nếu để cây sinh trưởng tự nhiên, sẽ mất đi vẻ đẹp nhẹ nhàng và thanh thoát của cây. Do đó, nếu như trồng Bonsai, bạn sẽ phải áp dụng các biện pháp để hạn chế tốt nhất chiều cao của cây. Một trong số những bước hạn chế chiều cao liên quan đến cách trồng và chăm sóc.

Chậu cảnh

Bạn nên lựa chọn chậu trồng hợp lí. Tỷ lệ hợp lí giữa kích thước chậu và kích thước cây là 1:3, có thể hạn chế được sự sinh trưởng của rễ, giữ cho kích thước của cây không thay đổi.

Thường xuyên cắt tỉa tạo dáng

Cây thủy tùng sinh trưởng khá nhanh, nên thường xuyên cắt tỉa bớt cành già, lá khô, giữ cho cây có chiều cao hợp lý. Đồng thời, cần phải kịp thời cắt tỉa bớt cành có xu hướng mọc leo, đảm bảo cành có mật độ thích hợp.

Ngắt đỉnh sinh trưởng

Khi chồi non có chiều dài khoảng 2 - 3 cm, bạn cần ngắt đỉnh sinh trưởng có thể kích thích cành mọc thêm nhiều cành mới, làm cho cành lá mọc đều, dáng cây đầy đặn, đồng thời có thể ngăn ngừa cành mọc dài, trông sẽ không đẹp.

Thường xuyên xoay chậu để tán cây được phân bố đều ánh sáng

Thường xuyên xoay chậu có tác dụng trong việc điều chỉnh hình dạng sinh trưởng của cành lá, giữ cho dáng cây không thay đổi. Nếu muốn tạo dáng cho cây, bạn chỉ cần dùng bìa cứng che ánh sáng, cành sẽ mọc cong hoặc chuyển hướng ra phía còn lại để hấp thụ được ánh sáng, từ đó cây có dáng vẻ như mong muốn.

Bón phân

Đối với cây con, vào thời kỳ sinh trưởng mạnh của cây (thường là mùa xuân và mùa hè) không nên bón nhiều phân. Thông thường, 1 tháng bón phân 1 lần cũng được. Đối với cây trưởng thành, tốt nhất không nên bón phân. Khi thay chậu, chỉ cần đổ một lớp đất mới vào đáy chậu, để giúp cây duy trì đà sinh trưởng.

Cuối cùng, nếu muốn tạo một cây kim thủy tùng Bonsai như ý, bạn nên chọn giống cây lùn. Giống này sẽ giúp cho dáng cây nhỏ gọn hơn.

Cùng chuyên mục