Cách giúp cây bonsai thích nghi dần với khí hậu mùa hè
Khi chuyển từ thời tiết mùa xuân sang mùa hè, cây bonsai cũng cần có khoảng thời gian thích nghi để sống sót tốt khi không khí dần nóng nực hơn.
Khi dần chuyển sang mùa hè, cường độ và thời lượng ánh sáng mặt trời có thể khiến cây cảnh bonsai chưa kịp thích nghi và thiếu sức sống. Cây bonsai giống như tất cả các loại cây khác, cần thời gian để thích nghi với những thay đổi trong môi trường. Việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời tăng đột ngột có thể dẫn đến cháy lá, mất nước và thiếu sức sống. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn dần điều chỉnh lượng ánh sáng để cây bonsai không bị sốc và có thể dần quen với kiểu khí hậu mới.
Những cách giúp cây bonsai thích nghi với khí hậu mùa hè
- Bắt đầu từ sớm: Việc điều chỉnh cây bonsai nên được thực hiện vào đầu mùa xuân và gia tăng dần thời lượng tiếp xúc với ánh sáng trong vài tuần sau đó.
- Tận dụng nắng buổi sáng: Nắng sáng sớm chưa gay gắt, còn dịu nhẹ nên sẽ giúp cây cảnh thích nghi tốt hơn. Bạn nên cố gắng dành ra khoảng 4 giờ của buổi sáng để cho cây làm quen với môi trường xung quanh, rồi tăng lên 6 giờ mỗi ngày.
- Tìm hiểu về nhu cầu ánh sáng của từng loại cây: Các loài cây cảnh khác nhau có yêu cầu khác nhau về ánh sáng mặt trời, do đó việc điều chỉnh cách tiếp cận của bạn là điều cần thiết. Ví dụ cây du Trung Quốc ưa sáng nhưng có thể hưởng lợi từ bóng râm một phần vào thời điểm nóng nhất trong ngày; cây cảnh Ficus thích nhiều ánh sáng mặt trời gián tiếp, nên ánh nắng buổi sáng vài giờ là thích hợp, tránh nắng gay gắt buổi chiều.
- Sử dụng lưới che nắng: Khi không có bóng râm tự nhiên, việc tạo ra một môi trường được kiểm soát có thể bảo vệ cây cảnh của bạn khỏi ánh nắng quá mức. Bạn có thể sử dụng các tấm lưới che nắng để giảm cường độ ánh sáng mặt trời.
- Di dời cây đến vị trí khác: Nếu cây cảnh bonsai ở trong chậu, bạn có thể di dời chúng đến vị trí thích hợp nhận được sự cân bằng ánh sáng mặt trời và bóng râm suốt cả ngày.
Những tình trạng cây bonsai có thể gặp phải vào mùa hè
Bạn có thể quan sát những triệu chứng dưới đây để biết được cây có đang không thích nghi kịp với thời tiết mùa hè hay không:
- Lá bị phai màu hoặc đổi màu: Việc tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều sẽ phá vỡ sắc tố quá mức của lá và kết quả là lá sẽ bị tẩy trắng hoặc phai màu.
- Đốm cháy: Trên lá sẽ có những mảng cháy bị đổi màu.
- Rụng lá: Lá sẽ rụng sớm nếu tiếp xúc với ánh nắng gay gắt và kéo dài.
- Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, hãy tăng bóng râm và đảm bảo đủ nước.
Những lưu ý khi trồng cây bonsai vào mùa hè
- Tưới nước: Hàng ngày bạn phải tưới nước bổ sung cho cây. Cách tưới tốt nhất là tưới vào trước buổi bình minh và sau lúc hoàng hôn. Khi tưới nước cho cây chú ý tưới từ bầu cây đến toàn bộ thân, cành và lá cây. Trước tiên là tưới bầu cây, phải tưới từ từ, tưới đi tưới lại nhiều lần, khi nào thấy lỗ thoát nước dưới đáy chậu chảy ra mới được. Tưới xong bầu cây ta tiếp tục dùng vòi phun tưới ướt toàn bộ lá và thân, cành cây. Tưới nước đầy đủ và đúng quy trình như trên giúp cho cây luôn đủ độ ẩm, tươi xanh và phát triển bình thường.
- Chống úng: Mùa hè mưa nhiều, nếu trồng trong chậu mà lỗ dưới đáy không thoát được nước thì cây sẽ bị bội chi về nước, bộ rễ trong chậu bị thâm đầu, thối rữa, cây héo rũ rồi chết. Vì vậy người trồng cây phải thường xuyên chú ý quan sát các chậu cây sau mỗi một trận mưa, nếu chậu cây nào nước bị đọng không thoát được thì phải có biện pháp khắc phục ngay (bằng cách nghiêng chậu khoan lại lỗ thoát nước dưới đáy cho nước thoát nhanh ra hoặc nhấc cả bầu cây ra để nơi râm mát cho khô bớt nước rồi trồng lại vào chậu có lỗ thoát nước tốt).
- Bón phân: Phân bón cho cây vào mùa hè tốt nhất là tận dụng các phế phẩm thực vật như đỗ tương, ngô, lúa… kém chất lượng, loại bỏ không ăn đến, đem ngâm nước cho thối mục, để hoai bớt mùi rồi đem pha loãng với nước tưới trực tiếp vào gốc cây.
- Phòng bệnh: Về mùa hè thời tiết nóng ẩm, là mùa các loại loại sâu bệnh phá hoại cây cảnh phát triển mạnh, nhất là sâu ăn lá và sâu đục thân, ngoài ra còn có một số các loài sâu khác như rệp cánh trắng, bọ trĩ, nấm mốc, kiến lên làm tổ… Do đó, bạn cần phải thường xuyên theo dõi, phát hiện sâu bệnh sớm và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Nếu để kéo dài, cây sẽ xơ xác, mất vẻ đẹp; bị nặng sẽ khó cứu sống lại được.