Các kỹ thuật lão hóa Bonsai cơ bản
Rất khó để đoán được tuổi của một cây Bonsai nhờ những kỹ thuật lão hóa cây cảnh mà các nghệ nhân đang sử dụng.
Với những kỹ thuật lão hóa và xảo thuật đơn giản, các nghệ nhân khiến cây trông có vẻ già hơn nhờ tận dụng một khuyết tật về cấu trúc của cây hay một nhánh chết, hoặc một phần thân bị chết. Dưới đây là các kỹ thuật lão hóa cây cơ bản:
Kỹ thuật lão hóa Bonsai: Đỉnh chết (Jin)
Jin có nghĩa là đỉnh, ngọn cây, nhánh cây bị chết. Đôi khi muốn giảm hạ chiều cao của cây hay chiều dài của nhánh, thay vì cắt bỏ, người ta có thể tạo cho toàn bộ hoặc một phần của thân, của nhánh có phần gỗ chết và bị mòn láng vì thời gian, tạo ấn tượng già nua, dãi dầu mưa nắng, phong ba, tuyết giá…
Cách làm:
- Lột vỏ cây bằng một lưỡi đục hình máng hay dùng 1 lưỡi dao bén.
- Sau đó đánh giấy nhám mịn cho gỗ trở nên láng.
- Có thể dùng lửa (đèn cầy, quẹt ga) nung phần gỗ để uốn nắn theo ý muốn.
Kỹ thuật lão hóa Bonsai: Lột vỏ (Shari)
Lột một băng vỏ theo thân cây Bonsai hoặc nhánh là kỹ thuật lão hóa căn bản của kiểu Sharimaki: thân cây Bonsai bị tróc vỏ để lộ gỗ trắng.
Cách làm:
- Làm dấu trước bằng dao, sau đó cắt rời và bóc vỏ ra.
- Tốt nhất bạn hãy vẽ bằng bút chì hoặc sơn nước lên diện tích vỏ vừa lột, ngắm nghía trước và sửa chữa nếu cần.
- Phải duy trì một tối thiểu diện tích vỏ cây để nuôi cây cảnh Bonsai. Như vậy phần vỏ còn lại phải có những băng chạy ra các nhánh để cung cấp nhựa cho các nhánh.
- Không nên lột vỏ ở phần chôn trong đất vì như thế sẽ dễ thối mục do ẩm độ cao ở phần này.
- Không nên lột vỏ ở những phần thân cây trong cùng 1 lần, cây có thể sẽ chết. Bạn nên làm từng đợt, trong nhiều năm, mỗi lần một mảnh chừng 1cm bề rộng là tối đa.
Kỹ thuật lão hóa Bonsai: Bể bộng (Sabamiki)
Lột vỏ và đục khoét thân cây Bonsai với mục đích là tạo thân bộng ở gốc. Có thể xem kỹ thuật này như là điêu khắc trên gỗ khi cũng dùng các công cụ như điêu khắc gỗ.
Cách làm:
- Đối với những cây đã bị hư hỏng hoặc bị mục một phần rồi thì đục khoét phần gỗ chết, các mắt, các sẹo nhánh cũ.
- Nhưng với những cây cảnh Bonsai còn nguyên vẹn thì nên cận thận cưa, cắt và đục khoét dần dần từng đợt, cách xa các thời kỳ cắt tỉa hoặc thay đất.
- Tránh nhiễm trùng làm cho cây bị bệnh, có thể chết.
- Trưng bày phần thân bị bộng ra phía trước, nhánh cao nhất nằm ngay phía sau.
Kỹ thuật lão hóa Bonsai: Cây nửa sống nửa chết (Tanuki)
Đây là một biến thể của kiểu Sharikimi, bạn có thể đưa một cây sống vào một thân cây khô dùng làm gốc. Gốc cây khô phải được xử lý trước bằng một hóa chất bảo vệ gỗ hoặc hóa chất khử nấm, rồi để nơi thoáng mát trong khỏang 6 tháng. Sau đó, khoét một rãnh hơi to hơn bề kính của thân cây sống.
Cách làm:
- Cắt hết các nhánh ở một bên của thân cây sống, nếu cần có thể vạt bỏ theo chiều dọc cây sống, phần sẽ nhét áp vào cây khô, nhét thân cây sống vào rãnh của gốc cây khô, chỉ chừa một phần của thân cây sống ló ra ngoài.
- Rạch hai đường dọc sâu trên thân cây sống ở ngay 2 mép rãnh để kích thích thành lập mô sẹo, sẹo này sẽ phù lên và lấp kín kẽ hở giữa thân cây sống và mép rãnh trên gốc cây khô.
- Trét kín bằng mastic và cột chặt 2 phần lại bằng dây.
Trên đây là các kỹ thuật lão hóa cây cơ bản. Tuy nhiên những kỹ thuật này chỉ dành cho những người đã có kinh nghiệm trồng và chăm sóc Bonsai thực hiện. Nếu là người mới bắt đầu chơi Bonsai, bạn có thể học hỏi và thực hành để nâng cao tay nghề.