Bonsai Bạt phong (gió lùa) là gì? Những kiểu dáng cơ bản
Bonsai Bạt phong (gió lùa) là một trong những dáng thế được ưa chuộng trong quá trình uốn tỉa, tạo dáng cho các cây bonsai. Tuy nhiên, nguyên tắc tạo dáng cũng như yêu cầu khi cắt tỉa đều rất tỉ mỉ, cần sự nhẫn nại và có kiến thức về bonsai.
Bonsai Bạt phong (gió lùa) là gì?
Dáng Bonsai Bạt phong có các cành và nhánh của cây được kéo xuôi về phía sau trái chiều với dáng của cây. Đồng thời, các nghệ nhân sẽ tỉa tán cây thưa, lộ rõ tán, nhánh và cành lượn sóng tạo cảm giác như đang có gió thổi.
Những cây bonsai này thể hiện sự đấu tranh sinh tồn trong các trận bão lớn, hay ở những nơi nhiều gió như bờ biển, đỉnh núi hay triền núi cao… Giống như biểu tượng cho con người quả cảm vượt qua bão táp để đi tới đích.
Những dáng Bonsai Bạt phong cơ bản
Dáng Bonsai Bạt phong có thể chia làm các kiểu như:
Kiểu đang bị bão
- Kiểu bão nhỏ: Các chi của cây không uốn quá cầu kỳ, không cần quặt gấp về 1 phía mà có thể hơi lơi, cành không cần uốn co sát chân cành mà có thể uốn từ khoảng cách xa hơn.
- Kiểu bão lớn: Các chi cành quặt gấp hẳn về 1 phía, các co đầu phải nằm sát chân cành.
Kiểu gió lùa nhiều năm
- Cây cứng cáp, cành mọc nghiêng hẳn sang 1 bên thích hợp với uốn tạo dáng cho các loại tán dày.
Kiểu gió nhẹ
- Kiểu này chỉ cần uốn lắc nhẹ chi về một phía sao cho nhìn có cảm giác chỉ là 1 cơn gió nhẹ nhàng thoảng qua.
Kiểu gió lùa ở biển
- Dáng bonsai này mang đến cảm giác cây bị quật vì gió, các chi có thể uống kiểu lùa 1 bên nhưng cũng có thể không cùng 1 hướng.
Kiểu gió lùa ở đỉnh núi
- Theo chiều chuyển động của gió thì khi gió tạt vào vách núi phần sát trên đỉnh gió sẽ theo vách núi thổi hơi xéo lên trên (không nhất thiết), nên làm chi cho loại này ta có thể uốn hơi chếch lên cũng đẹp.
Kiểu gió lùa ở vách núi
- Cũng theo chiều đối lưu của gió, những luồng gió trên cao thổi xuống vách núi, đụng vách sẽ theo hướng của vách núi đi xuống, các cành nhanh cây bị luồng gió này cũng bị hướng xuống.