5 mẹo đơn giản để trở thành bậc thầy chăm sóc cây cảnh
Việc chăm sóc cây cảnh sẽ trở nên dễ dàng và đầy chuyên nghiệp khi bạn nắm vững những thông tin về nước, không khí, phân bón, ánh nắng cần cho cây bonsai. Hãy cùng khám phá 5 mẹo chăm sóc cây bonsai đơn giản dưới đây để trở thành bậc thầy cây cảnh nhé!
Mẹo làm dày thân cây bonsai
Một trong các kỹ thuật chăm sóc cây bonsai nâng cao là tập trung vào phần quan trọng nhất của cây - thân cây. Thân chính là phần thu hút nhất với mỗi cây bonsai. Nếu thân cây càng già, chúng sẽ dày hơn ở phần gốc và thon mỏng dần về phía ngọn.
Cách tốt nhất để làm thân cây bonsai dày hơn là trồng chúng trong một chậu lớn mà không cắt tỉa trong vài năm. Khi độ dày thân cây đạt đến mức độ mong muốn, bạn hãy cắt tỉa cành lá và ép chậu nhỏ cho cây.
Việc làm dày thân cây bonsai là một quá trình có thể kéo dài đến vài năm. Hãy nhớ mua một cây bonsai có thân thuôn nhọn, kiên nhẫn chăm sóc và bạn sẽ có thành quả là thân cây mini với độ thuôn hoàn hảo.
Kỹ thuật nối dây cho cây bonsai
Việc đi dây được thực hiện nhằm tạo ra hình dáng cây độc đáo và khuyến khích cây bonsai phát triển. Nắm vững kỹ thuật đi dây là một phần của việc chăm sóc cây bonsai chuyên nghiệp.
Trong kỹ thuật đi dây, loại dây phổ biến và dễ sử dụng nhất là dây đồng hoặc nhôm. Nếu bạn muốn đi dây để kích thích sự phát triển của cây thì hãy buộc các cành cùng tán lá bên ngoài. Lúc này, các chồi, lá phía trong sẽ được tiếp nhận ánh sáng, không khí và phát triển nhanh hơn.
Để tạo hình dáng độc đáo cho cây bonsai, bạn cần quần dây quanh thân cây và nhẹ nhàng chỉnh cành vào đúng vị trí. Khi đi dây tạo dáng không được nóng vội mà cần chỉnh từng chút một để tránh làm gãy thân, cành. Cần tạo dáng từ khi thân cây còn non, cây càng già càng khó uốn nắn.
Tạo hình rễ bùng phát cho cây bonsai
Trong nghệ thuật bonsai, một cây có bộ rễ trên bề mặt càng đẹp càng được đánh giá cao. Kỹ thuật cắt tỉa, kích thích rễ phát triển càng thành thạo càng chứng tỏ bạn là người chăm sóc bonsai chuyên nghiệp.
Để tạo ra rễ bùng phát trên mặt đất cho cây bonsai, bạn cần cắt tỉa những rễ dài nhất và nâng chúng lên trên đất mới trong quá trình thay chậu. Điều này khiến hệ thống rễ phát triển dọc theo bề mặt đất thay vì đâm sâu xuống dưới và bị chôn vùi.
Một cách nữa để tạo ra bộ rễ ấn tượng cho cây bonsai là quấn một vòng dây quanh gốc cây. Khi bị quấn chặt gốc, cây sẽ khó hấp thụ được chất dinh dưỡng từ rễ dưới đất và buộc phải mọc rễ mới ở phần trên dây quấn. Lớp rễ này sẽ lộ trên mặt đất và theo thời gian sẽ dày hơn, tăng tính thẩm mỹ cho cây.
Kỹ thuật tạo ra gỗ chết trên cây bonsai
Một cây bonsai có phần gỗ chết sẽ đặc biệt thu hút người nhìn bởi vẻ đẹp độc đáo. Tuy nhiên, chỉ người có kỹ thuật nâng cao mới tạo ra được phần gỗ chết này trên cây bonsai.
Để tạo ra gỗ chết, bạn hãy dùng kìm loại bỏ lớp vỏ cây khỏi cành. Sau đó, dùng giấy nhám mài và làm tròn các cạnh sắc. Nếu bạn muốn tạo một đường cong hoặc các vết lõm trên phần gỗ chết, hãy sử dụng dao cắt lõm để cắt vào thân cây và tạo ra các lỗ hổng. Bạn cần thực hiện việc này từng chút một trong vài tháng để cây có đủ khả năng thích ứng. Cuối cùng, bạn dùng vôi lưu huỳnh sơn lên để tẩy gỗ chết, giúp bảo vệ cây khỏi sâu bệnh và nhiễm trùng.
Lưu ý, kỹ thuật tạo gỗ chết chỉ nên áp dụng cho cây thường xanh vì gỗ chết trên cây rụng lá rất dễ bị mục nát theo thời gian.
Khiến cây bonsai rụng lá
Kỹ thuật làm cây rụng lá để kích thích lá mới nhỏ hơn phát triển mà không ảnh hưởng đến hình dáng của cây được coi là chuyên nghiệp hơn hẳn việc cắt tỉa cành thông thường.
Bạn hãy dùng kéo cắt tỉa những tán lá dày nhưng để nguyên cuống lá. Lá bị cắt sau một thời gian sẽ tự rụng. Kỹ thuật này thích hợp nhất với những cây thuộc loài rụng lá. Kỹ thuật làm rụng lá cây bonsai nên thực hiện vào những tháng đầu mùa hè và không làm với những cây đang trong giai đoạn trưởng thành.
Trên đây là những kỹ thuật chăm sóc cây bonsai nâng cao, giúp bạn trở thành những bậc thầy cây cảnh. Nếu bạn thấy các kỹ thuật này hữu ích, hãy thử áp dụng với cây cảnh của mình nhé!